Skip to main content

Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội

Quốc Khánh là xã biên giới nằm ở phía Đông Bắc của huyện Tràng Định, trung tâm xã cách trung tâm huyện 15 Km theo trục Quốc lộ 3B. Với tổng diện tích tự nhiên 6.708,37 ha, có đường biên giới dài 12,5 Km. Gồm 27 cột mốc: Từ mốc 962 đến mốc 980 (trong đó có 19 mốc chính và 08 mốc phụ).

          Phía Đông giáp với Trấn Hạ Đống, huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa;

            Phía Tây giáp với xã Lê Lợi huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng;

            Phía Nam giáp với 02 xã Tri Phương và Đội Cấn huyện Tràng Định;

            Phía Bắc giáp với 02 xã Đức Long và Lê Lợi, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng.

Gồm 14 thôn bản với 1.566 hộ/6.451 nhân khẩu; tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 là 71 hộ, chiếm 4,16%; Cận nghèo 196 hộ, chiếm 11,48%. Có 05 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn gồm: Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa, kinh tế sản xuất chủ yếu là nông nghiệp, có 03 công trình hồ, đập phục vụ sản xuất nông nghiệp (Kỳ Nà, Cao Lan, Hua Khao). Trên địa bàn xã có 01 Đồn Biên phòng, 05 nhà trường, 01 Trạm y tế xã, tình hình an ninh chính trị ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững. Xã có cặp cửa khẩu Nà Nưa/Việt Nam - Nà Hoa/Trung Quốc, là điểm giao lưu buôn bán thuận lợi cho hoạt động thương mại hàng hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế ở trong vùng và ở địa bàn xã.

Xã Quốc Khánh có bề dày trong phong trào thi đua yêu nước, có lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, xã đã xây dựng Bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ của xã. Về truyền thống văn hóa, hiện nay xã còn lưu giữ được các phong tục tập quán từ thời xưa để lại như hát Sli, hát Lượn… của các cụ cao tuổi. Ngoài ra xã cũng bảo tồn và phát triển lễ hội của xã đó là Lễ hội Thồng Báo Slao, đây là lễ hội đặc trưng của xã nhân dịp ngày 21 tháng Giêng âm lịch hằng năm thu hút được nhiều du khách thập phương tham quan, trẩy hội. Sự tích của Lễ hội này nói về tình yêu đôi lứa và tình yêu quê hương, đất nước.

Bia đá Kéo Lếch nằm trên vách núi Nàng Tiên thuộc thôn Long Thịnh, xã Quốc Khánh, sát trục Quốc lộ 3B do Quan Đốc Trấn Ngô Thì Sĩ viết và khắc vào vách đá tháng 8 năm 1779 (năm Cảnh Hưng thứ 40). Với những giá trị của di tích, Bia đá Kéo Lếch (Bia Ngô Thì Sĩ) đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh theo Quyết định số 41/2002/QĐ-UB, ngày 02/10/2002 của UBND tỉnh Lạng Sơn về việc xếp hạng Di tích cấp tỉnh đợt I năm 2002.

About